Lời tựa
Tiếng còi xe cứu thương kêu inh ỏi, dòng người chen chúc nhau ai cũng cố gắng để có thể đi nhanh nhất. Tắc đường. Trong xe cứu thương, người nhà bệnh nhân nhìn qua khung cửa sổ, đôi mắt nặng trĩu nỗi buồn. Bệnh nhân đã không qua khỏi và ra đi trong sự ồn ào của tiếng máy nổ, tiếng còi xe. Chưa chắc bệnh nhân đó đã chết vì căn bệnh đang mang trên người, nhưng chắc chắn họ đã chết vì ý thức của những người đi đường xung quanh khiến xe cứu thương không thể tới bệnh viện sớm hơn dù chỉ là vài chục giây.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, mình xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới bạn. Lời văn có thể chưa trau chuốt, nhưng thông điệp mình muốn gửi đến ở đây là – chúng ta những người dân Việt Nam hãy ý thức khi tham gia giao thông.
“Tắc đường”.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chuyện ùn tắc trên các con phố là điều quá hiển nhiên trong tâm trí mỗi người. Không ai mong muốn điều đó, nhưng chính họ lại cũng đang là tác nhân gây ra chuyện này.
Các kiểu tắc đường tại Việt Nam
Mặt bằng chung, mình nhận thấy chúng ta sẽ có một số kiểu cho việc tắc đường:
1 – Ai cũng muốn rẽ
Công việc của bản thân khiến mình phải di chuyển nhiều trên đường CMT8 ở TP.HCM. Đa phần những lần kẹt xe chủ yếu xảy ra là do ngã rẽ vào đường Tô Hiến Thành hoặc đường Trường Sơn. Ô tô, xe bus cố gắng để được đi thẳng, xe máy người muốn rẽ trái, người muốn rẽ phải. Chỉ cần một trường hợp hai xe đối đầu nhau thì ùn tắc lập tức xảy ra. Khổ nỗi đoạn đường Tô Hiến Thành lại không có đèn báo đỏ, điều này cũng vô hình gây ra tắc nghẽn.
2 – Đường hai chiều nhưng cao điểm sẽ thành một chiều
Mình cũng phải thừa nhận rằng, một số tuyến đường chính ở Việt Nam còn nhỏ chưa đáp ứng được giao thông những giờ cao điểm như tan trường, tan sở. Nhưng không phải vì lý do đó mà chúng ta lại bỏ qua ý thức của người tham gia giao thông. Khi ùn tắc xảy ra, một số người lấn làn di chuyển sang làn bên cạnh. Theo cá nhân mình, đây là một trong những điều chính gây tắc nghẽn và không thể chấp nhận được. Chúng ta ăn mặc lịch sự, công việc “bàn giấy”, đều được giáo dục rằng đi đúng làn đường nhưng có lẽ chúng ta đã quên mất điều đã được dạy đó. Ai cũng nói người khác là “không có ý thức” và ai cũng chừa mình ra(1).
3 – Ba giây đèn vàng để tăng ga
Tất cả chúng ta đều được giáo dục rằng: “đèn xanh được đi, đèn vàng đi chậm, đèn đỏ dừng lại”. Liệu “đèn vàng đi chậm” có thực sự đúng như những gì chúng ta nhìn thấy hằng ngày. Mình không dám nói chung tất cả mọi người, nhưng sẽ luôn có những trường hợp cố gắng để vượt qua được ngã tư dù đèn vàng sắp chuyển sang đỏ. Điều đó chưa hẳn vi phạm pháp luật nhưng cũng đã có biết bao trường hợp gây ra tai nạn giao thông chỉ vì cố gắng vượt đèn vàng.
Tại: “Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008 giải thích tín hiệu đèn màu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.”(2), hình như còn rất nhiều người ngoài kia chưa biết được điều đó, họ chỉ nghĩ đèn đỏ mới là tín hiệu cần phải dừng lại.
Tại các ngã tư khi ùn tắc bất đầu xảy ra, mọi người dần quên mất tín hiệu đèn giao thông và có tâm lý chung rằng một giây đèn vàng nữa thôi là qua đèn đỏ do vậy phải cố kéo ga lên để chen lấn, mình dừng đèn vàng chưa chắc các xe bên cạnh đã dừng mà có dừng thì người phía sau cũng bấm còi inh ỏi để nói rằng “sao lại dừng, mới đèn vàng thôi mà”. Ai cũng đều sợ chậm một giây và rồi chính điều đó lại đang giữ chân mỗi người trên đường. Càng tắc thì phải càng cố gắng chen lấn, ai cũng muốn nhanh dù chúng ta đều nhận thức được rằng phía trước vẫn đang kẹt, việc này khiến ta rơi vào “Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù (Prisoner’s Dilemma)” trong “Lý thuyết trò chơi”(3).
Sự sợ hãi kẹt đường một lần khiến suy nghĩ cho các lần tiếp theo phải “tranh thủ” hơn. Người đi đúng làn đường nhìn sang bên cạnh thấy người ta chạy ngược đường và đang di chuyển nhanh hơn mình. Một suy nghĩ độc hại bắt đầu xâm lấn vô tâm trí rằng mai mình sẽ đi ở bên phía ngược chiều đó cho nhanh. Ai cũng thấy điều đó hợp lý và ai cũng thực hiện nó.
Tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề trên, nhưng không một ai thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Một cánh én không thể làm nên được mùa xuân, nhưng chỉ cần một cá nhân có ý thức hẳn sẽ có những cá nhân khác để ý và nhìn nhận lại hành động của mình.
Trong bài viết mình chỉ tập chung vào vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, các nguyên nhân khác mình nghĩ không phải là điều kiện tiên quyết để khắc phục tắc đường.
Cảm ơn M.R đã đóng góp cùng mình viết bài này.
Tham khảo:
(1) https://giaidapviet.com/content/tai-sao-lai-xay-ra-tinh-trang-tac-duong-nguyen-nhan-va-cach-giai-quyet-la-gi/
(2) https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/muc-phat-loi-vuot-den-vang-570-23770-article.html
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Song_đề_tù_nhân